Dân ta vẫn hay nhầm

Lâu nay, thi thoảng đi dự các đám hiếu hỷ, hay mừng nọ mừng kia, thấy việc bái lạy, tặng hoa, tặng quà rất không giống nhau về hình thức, nơi thế này, nơi thế khác, đoán là do quan niệm của từng địa phương, nhưng dần dà nhận ra là do nhiều nơi, các vị trưởng bối, tiên chỉ trước đây nhận thức sai mà dẫn đến nhiều việc rất ngược, những việc ngược ấy con cháu cứ thế noi theo, rồi lâu dần trở thành thói quen, lại ít ai để ý để góp ý mà sửa lại cho đúng.

Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chỉ xin nói qua về mấy việc: về Âm – Dương sinh biến trong cổ học phương Đông, bái người chết thì bái mấy lần, bái người sống thì bái mấy lần, hoa thắp hương thì thắp bao nhiêu bông, tặng hoa cho người sống thì tặng mấy bông… Trong một chia sẻ khác, với phạm vi bài viết rộng hơn, sẽ trình bày thêm rất nhiều ví dụ tương tự khác.

Việt Nam chúng ta là quốc gia nằm trong khối văn tự chung [đồng văn tự, ở đây là Nho Tự] trước đây, chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền triết học cổ Đông Phương, trong đó có triết học Dịch kinh. Có thể nói, Dịch Kinh là pho triết học cổ có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống văn hóa Á Đông, giờ đây, nó đã lan rộng ra khắp thế giới về tính bao quát của nó. Từ Dịch Kinh, rất nhiều khoa học chuyên môn của phương đông ra đời, như võ thuật, y học, số học v.v…

Quan sát Bát quái, ta thấy rằng, Âm và Dương là hai Nghi khởi thủy, định dạng và định tính cho mọi biến hóa sau này. Dương được ghi lại bằng vạch liền (-) còn Âm vạch cách đoạn (–). Quan sát Âm, ta thấy chính là Dương chia đôi, biểu thị bằng 2 vạch. Từ đó người xưa xem số 1 là Dương, chứ không phải là số 2 là dương. Trong thập số tiến thì 1-3-5-7-9 là số Dương, và 2-4-6-8-10 là số Âm. Trong thập số này lại chia thành số Sinh và số Thành. 1-2-3-4-5 là những số Sinh, còn 6-7-8-9-10 là những số Thành. Từ đó, ta cũng nhận ra hai số 5 và 6 là hai số chính, giữa mang tính điểm gánh của dãy số. Số 5 là tận của của Sinh, số 6 là khởi thủy của số Thành. Từ số 5, ta cộng với lần lượt các số Sinh, sẽ được các số Thành còn lại [5+1=6; 5+2=7; 5+3=8; 5+4=9; 5+5=10]. Dó đó, từ biến hóa của Nhị số [âm và dương] ta có được vô hằng hà số khởi từ dãy Sinh -Thành tiếp biến.

Ta lấy ra một hệ quả Dương là lẻ, âm là chẵn từ phân tích sơ bộ trên để nói tiếp ý trong bài viết này.

Vậy thì những gì là chẵn sẽ thuộc Âm, những gì là lẻ thì thuộc Dương.

Nên, khi bày biện đồ cúng tế cho người chết phải là những đồ mang số chẵn. Chọn đồ cho người sống phải dùng số lẻ.

Vậy mà, nhiều nơi vẫn bái 3 bái trước bàn thờ khi cúng tế, chọn hoa thắp hương thì chọn số lẻ, tặng hoa cho nhau thì lại tặng số chẵn. Đó là ngược.

Ở một số nơi tại Việt Nam, tôi có dự đám hiếu, và thấy họ thực hiện điều vừa chia sẻ rất đúng và đầy văn hóa. Như có lần tôi dự một đám hiếu tại Đà Nẵng, bà con đến thắp hương cho người đã khuất trước linh sàng họ bái hai bái. Khi đưa tiễn xong, họ quay lại bái thêm một bái nữa. Việc bái 2 bái là bái tiễn người chết. Bái thứ ba của ngày hôm sau là bái người sống [ở đây là người thân của người đã khuất], như một hành nhiệm chia buồn. Việc làm ấy thật đẹp đẽ biết bao.

Ngày thường, ta mua hoa, quả thắp hương, cứ chọn số lẻ để dâng cúng, đó là việc làm ngược. Mâm ngũ quả là 5 loại quả thể hiện cho Ngũ Hành, chứ không phải là số lẻ. Người biết sẽ bày mỗi loại quả trong mâm ngũ quả là số chẵn, cứ mỗi loại quả dùng 2, 4, 6… quả để bày trong mâm ngũ quả ấy.

Ta tặng nhau hoa trong những dịp sinh nhật, tặng cho người yêu, người thân hay mừng các đám hỷ, đám khánh thành nhà mới v.v… hãy để ý để chọn số lẻ các bông hoa.

Đời sống văn hóa vùng miền can thiệp nhiều vào những định lệ, nhằm phù hợp hóa các tiêu chuẩn đời sống xã hội, đó là điều tất yếu và hiển nhiên. Song, trong những chuẩn mực bắt buộc mang tính kế thừa và gìn giữ vẻ đẹp mang tính truyền thống, thì ta nên thực hiện đúng những gì mà cổ nhân đã dạy, chớ tùy tiện làm sai đi những điều tốt đẹp.